Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài

Hoạt động công ty

Lãnh đạo FOSCO dự Chương trình biểu diễn múa cổ điển Ấn Độ “Bharatanatyam”

Tối ngày 04/6/2018 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty FOSCO Ngô Anh Tuấn, đã đến dự Chương trình biểu diễn  múa cổ điển Ấn Độ “Bharatanatyam” do Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Ấn Độ tổ chức.
Tham dự chương trình có sự hiện diện của Ông Srikar Reddy - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM, Ông Huỳnh Minh Thiện - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM.
Đoàn múa cùng bà Sreelatha Vinod - một trong những vũ công Bharatanatyam hàng đầu ở Ấn Độ biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 04 tháng 6 và tại Thành phố Cần Thơ vào ngày 05 tháng 6 năm 2018.
Điệu múa Bharatanatyam cổ truyền có xuất xứ từ bang Tamil Nadu ở phía Nam Ấn Độ. Điệu múa này được cho là đã xuất hiện từ cách đây 2000 năm và hình thức múa này được nhắc đến trong các văn bản Ấn Độ cổ, bắt đầu với Natya Shastra được viết bởi Bharata Muni (200 TCN tới 200 SCN). Bharatanatyam là tư thế mua có thể được tìm thấy trong các tác phẩm điêu khắc bằng đá và kim loại trong các ngôi đền ở Tamil Nadu. Ví dụ như tòa tháp phía đông của Đền Shiva được xây dựng vào thế kỷ 12 ở Chidambaram, Tamil Nadu tồn tại tác phẩm điêu khắc miêu tả 108 tư thế múa của Bharatanatyam. Một số tác phẩm điêu khắc với các tư thế múa Bharatanatyam cũng được biết đến tại ba ngôi đền Ấn Độ được xây dựng bởi những người Tamil ở Thành phồ Hồ Chí Minh vào đầu thế kỷ 20  là đền Mariamman, đền Thendayuttapani và đền Subramanium Swany.
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ văn minh, văn hóa chặt chẽ, đặc biệt là với bang Tamil Nadu từ thời xa xưa. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều người Tamil từ Pondicherry, vốn là vùng thuộc Pháp vào thời điểm đó, đã di cư đến Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng khác của Việt Nam. Họ đã xây dựng những ngôi đền và Thánh đường Hồi giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu thế kỷ 20. Các ngôi đền và Thánh đường Hồi giáo Ấn Độ gần 100 năm tuổi này nổi tiếng với vẻ đẹp kiến trúc và là những di tích của di sản chung giữa hai quốc gia.
Việt Nam là trụ cột vững vàng trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Quan hệ song phương dựa trên sự tin cậy, hiểu biết và sự tương đồng trong quan điểm về các vấn đề khác nhau trong khu vực và quốc tế. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Việt Nam vào tháng 9/2016, quan hệ Đối tác Chiến lược đã được nâng lên thành quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Năm vừa qua được xem là “Năm Hữu nghị” nhằm kỷ niệm ba sự kiện quan trọng, đó là kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kỷ niệm 10 năm “Đối tác Chiến lược” giữa Ấn Độ và Việt Nam, và kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN. Các sự kiện văn hóa khác nhau được tổ chức tại Việt Nam và Ấn Độ là một phần của các hoạt động kỷ niệm trong Năm Hữu nghị 2017.

Các bài viết khác

Lượt xem: 2148