Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài

Đảng

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Mậu Thân 1968 Xuân Mậu Thân 1968 trận quyết chiến chiến lược lịch sử

Trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu cuối cùng, là tiến hành tổng công kích – tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định, đồng thời đề ra phương châm chiến lược, chỉ đạo xây dựng và bố trí lực lượng trên địa bàn miền Nam, trọng điểm là Sài Gòn – Gia Định, trung tâm đầu não chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ.

Quyết tâm giành thế chủ động toàn diện trên các chiến trường
Cuối tháng 12 - 1963, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa III) ra Nghị quyết về phương hướng phát triển cách mạng miền Nam “Giành thắng lợi từng phần, đẩy lùi địch từng bước, tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa để đi đến toàn thắng”; thấu suốt phương châm chiến đấu lâu dài, nhưng mặt khác phải “Tranh thủ thời cơ giành thắng lợi trong thời gian không lâu lắm”. Nghị quyết nhấn mạnh: Trong 8 nhiệm vụ cụ thể trước mắt thì nhiệm vụ quan trọng là xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh nhanh chóng, vừa bảo đảm nhiệm vụ trước mắt, vừa sẵn sàng đón nhận những thời cơ thuận lợi có thể xuất hiện.
Ngày 1-1-1964, đi đôi với việc phổ biến Nghị quyết 9 của Trung ương, Bộ Chính trị điện gửi Trung ương Cục và Khu ủy Khu 5 chỉ rõ hai nhược điểm lớn nhất của cách mạng miền Nam đang bộc lộ là chưa có lực lượng vũ trang tập trung đủ mạnh và công tác binh vận lúc này còn yếu. Tháng 1-1968 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 đã thông qua Nghị quyết tháng 12-1967 của Bộ Chính trị và quyết định thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng lực lượng chủ lực trên chiến trường miền Nam, nhất là chiến trường trọng điểm B2, tháng 10-1963, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Quân ủy Miền, do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư và sau đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kiêm Chính ủy, đồng chí Trần Độ làm Phó Chính ủy. Bộ Chỉ huy Miền do đồng chí Trần Văn Trà làm Tư lệnh, cùng các đồng chí Đồng Văn Cống, Nguyễn Hữu Xuyến, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Thị Định là Phó Tư lệnh. Tiếp đó Trung ương điều thêm các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp vào chiến trường B2, tăng cường cho các cơ quan trực thuộc, các đơn vị chủ lực.
Vấn đề xây dựng chủ lực Miền, trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 25 và 26-9-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Miền Nam phải mở rộng chiến tranh du kích, xây dựng quả đấm mạnh, gọn, nhanh…” để tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức, quyết tâm, nhằm đẩy nhanh việc xây dựng quân chủ lực tại chỗ.
Cuối năm 1964, từ Chiến dịch Bình Giã, lần đầu tiên quân chủ lực ta tiêu diệt các đơn vị bộ binh Mỹ và cơ giới thuộc lực lượng tổng trù bị chiến lược của quân Mỹ.  Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn nhận xét: “Với Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta, với Bình Giã, Mỹ thấy thua ta”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, nhận xét: “Chiến thắng Bình Giã đánh dấu sự thất bại về cơ bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt””.
Chủ lực Miền được tăng cường xây dựng thêm nhiều trung đoàn, tiến tới tổ chức các sư đoàn chủ lực thành những quả đấm gọn, nhanh, đánh bại “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, tạo điều kiện tổng công kích trên địa bàn trọng yếu: Sài Gòn - Gia Định.
Đầu năm 1965, thực hiện Kế hoạch X, Khu Sài Gòn - Gia Định được chấn chỉnh lại và tổ chức thành 5 cánh. Mỗi cánh đều có các quận vùng ven và nội thành để thực hiện thuận lợi trong việc chỉ đạo hoạt động vũ trang và nổi dậy của quần chúng. Xây dựng 5 tiểu đoàn mũi nhọn đứng chân 5 hướng vùng ven đô có nhiệm vụ tiến vào nội thành phối hợp với lực lượng biệt động, các đội vũ trang các đoàn thể các đội tự vệ đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu, hỗ trợ quần chúng nổi dậy.
Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo giúp Khu Sài Gòn - Gia Định tổ chức một trung tâm huấn luyện bí mật tại Căn cứ Miền (ở Lò Gò - Tây Ninh), rút một số cán bộ, chiến sĩ quen thuộc chiến trường nội đô và vùng ven Sài Gòn về huấn luyện để bổ sung cho các tiểu đoàn mũi nhọn, các đội biệt động, các đội vũ trang nội thành. Tháng 5-1965 Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành lập Đoàn F100 biệt động gồm 9 đội biệt động, 3 đội đặc công biệt động ven đô. Bên cạnh lực lượng biệt động trực thuộc quân khu còn các đơn vị biệt động vùng ven, các đội tự vệ vũ trang, biệt động các ngành tại đô thị Sài Gòn.
Chuẩn bị Kế hoạch X từ các bàn đạp ở địa bàn vùng ven, ta bí mật chuyển vũ khí vào cất giấu tại các cơ sở bí mật trong nội thành, kế cận các mục tiêu trọng yếu 100 súng các loại, 1 tấn thuốc nổ đã được giao cho lực lượng biệt động.
Tháng 10-1967, Trung ương Cục chính thức nhận được Chỉ thị của Trung ương về tổng công kích tổng khởi nghĩa, cùng lúc Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền bí mật triển khai kế hoạch thực hiện trên chiến trường B2. Cuối năm 1967, Trung ương Cục quyết định thành lập “Khu trọng điểm” gồm 6 phân khu, trong đó 5 phân khu hình thành 5 mũi tiến công hướng vào trung tâm Sài Gòn, Phân khu 6 là phân khu nội đô. Các đơn vị chủ lực được tăng cường các tiểu đoàn mũi nhọn; đơn vị đặc công, biệt động đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của các phân khu.

Kết quả to lớn và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968
Cuộc tổng tiến công và nội dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra toàn miền Nam, là sự huy động toàn lực các cánh quân và các đơn vị chủ lực, biệt động, cùng phối hợp nổi dậy của nhân dân. Trong đợt 1, từ đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 đến ngày 25-2-1968, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã tiến công vào 4/6 thành phố, 37/44 thị xã, 64/242 xã, thị trấn, quận lỵ, đánh vào các cơ quan đầu não 4 bộ tư lệnh quân khu - quân đoàn, 8/11 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh dã chiến của Mỹ. Quan trọng là nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng của Mỹ - ngụy tại Sài Gòn đã bị tiến công đánh chiếm, như: Bộ tổng Tham mưu quân đội Việt Nam Công hòa; Biệt khu Thủ đô, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất, đặt biệt là tòa Đại sứ quán Mỹ…
Tiếp đến trong đợt 2, từ ngày 5-5 đế ngày 12-5-1968, quân và dân ta trên khắp chiến trường đã đồng loạt bắn phá và tiến công bằng bộ binh vào 31 thành phố và thị xã, 58 thị trấn và quận lỵ, đánh trúng 10 bộ tư lệnh quân đoàn và sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ xuất phát hành quân và trung tâm huấn luyện của địch.  Đợt 3 được tiến hành từ ngày 17-8 đến ngày 30-9-1968, quân và dân ta đã tiếng công chủ yếu bằng pháo vào 27 thành phố và thị xã, 100 thị trấn, quận lỵ và chi khu quân sự, 47 sân bay, 3 tổng kho lớn, 6 bộ tư lệnh sư đoàn Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Điểm đặc biệt là lần đầu tiên ta tiến công vào hầu khắp các đô thị, nơi tập trung lực lượng quân sư, chính trị chủ yếu của địch; đó là những bất ngờ lớn vào những ngày đầu Xuân Mậu Thân 1968 gây thiệt hại lớn cho địch.
Tại Sài Gòn - Gia Định, các lực lượng biệt động và quân chủ lực từ 5 cánh quân nhằm 5 mũi tiến công hướng vào trung tâm Sài Gòn, tập trung đánh thẳng vào các vị trí quan trọng, như: Dinh Độc lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Tòa Đại sứ Mỹ, Tổng nha Cảnh sát, Bộ tổng Tham mưu, Đài Phát thanh Sài Gòn…cùng các vị trí, tuyến đường trung tâm thành phố.
Như vậy về cách đánh, bố trí chiến lược tại miền Nam cũng như Sài Gòn - Gia Định có những bất ngờ mà kẻ địch không ngờ tới. Đó là bất ngờ về thời gian: Tết Mậu Thân 1968; bất ngờ về mục tiêu: các đô thị và căn cứ quan trọng; bất ngờ về quy mô: không chỉ đánh những điểm nhỏ tại các đô thị như phán đoán của CIA mà ta đã tập trung đánh vào hầu hết chiến trường miền Nam và đánh đồng loạt những ngày trong và sau Tết Mậu Thân 1968, làm cho kẻ địch không kịp trở tay.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, mở ra khả năng cho ta thực hiện chiến lược “đánh cho Mỹ cút” tiến tới thực hiện “đánh cho ngụy nhào” giành lại độc lập, thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc Việt Nam”.
Tổng tiến công và nổi dây Xuân Mậu Thân 1968 đã đánh dấu bước phát triển mới trong học thuyết về nghệ thuật quân sự Việt Nam, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến, lực lượng quân đội ta và nhân dân ta đã bất ngờ tấn công đồng loạt, làm chủ trên một loạt chiến trường và đã giành nhiều chiến thắng có ý nghĩa to lớn.
Sau tổng tiếng công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng thống Mỹ phải ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc, đi vào tiến hành cuộc đàm phán Paris về Việt nam và sau 5 năm cuộc đàm phán đi tới Hiệp định Paris đã được ký kết ngày 27-1-1973, mở ra giai đoạn phát triển mới của cách mạng miền Nam; đó là chiến thắng có tầm chiến lược, mang ý nghĩa to lớn, mà trong bài Thơ chúc Tết năm 1969 Bác Hồ đã dự báo: “Vì độc lập, vì tự do - Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Trích nguồn : Tài liệu Thông tin Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tháng 1/2018.

Các bài viết khác

Lượt xem: 2513